QUY TRÌNH TÔ/TRÁT TƯỜNG
1.BẢN VẼ CHI TIẾT
- Căn cứ vào bản vẽ thiết kế kiến trúc để triển khai bản vẽ chi tiết/ bản vẽ biện pháp thi công
2.CHUẨN BỊ VẬT TƯ & DỤNG CỤ
a.Vật tư:
- Cấp phối vữa tô phải được tư vấn giám sát và Chủ đầu tư chấp nhận; Vật liệu làm vữa phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật (có kết quả thí nghiệm); Phân loại vữa tô tường trong và ngoài (nếu dùng vữa khác nhau);
- Cát dùng để chế tạo vữa trát phải được sàng qua các loại sàng thích hợp để đạt được kích thước hạt cốt liệu lớn nhất (Dmax) nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 mm khi trát nhám mặt hoặc trát các lớp lót và (Dmax) nhỏ hơn hoặc bằng 1,25 mm khi trát các lớp hoàn thiện bề mặt.
- Vữa và phụ gia phải có cường độ và tiêu chuẩn kỹ thuật thỏa mãn yêu cầu thiết kế (có kết quả thí nghiệm);
- Vữa trát phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn TCVN hiện hành.
b. Dụng cụ thi công:
- Bay, bàn chà, thước nhôm 2-3m, thước thủy 1.2m, dụng cụ rà bộp, dây dọi, thước ke góc, thước kéo 5m, máy lazer, lưới sàng cát (loại 5mm)…
- Chuẩn bị máy trộn.
- Các loại máng trộn và chứa vữa tô
3.BÚNG MỰC VÀ GÉM TƯỜNG
- Ghém theo đường mực gửi trắc đạc đã búng trên sàn và trần
- Ghém theo trục nếu đường mực búng trước đây bị mất
- Dựa vào trục kiểm tra: vị trí tường, độ dày lớp vữa sẽ tô (theo thiết kế), người thợ gắn mốc trát dưới chân tường.
- Từ các mốc dưới chân tường dùng dây dọi đặt các mốc ở trên cao. Mặt của mốc trát là mặt phẳng tường sẽ tô trát.
4.PHỐI HỢP CÔNG TÁC MEP ÂM TƯỜNG
- Kiểm tra vị trí, khoảng cách., canh chỉnh các box chờ.
- Công tác MEP âm tường phải đảm bảo được hoàn tất, chèn vữa , đóng lưới và nghiệm thu đầy đủ trước khi tô tường.
- Chèn kín vữa và đóng lưới đường MEP âm tường.
- Tiếp giáp giữa gạch và kết cấu bê tông trước khi tô. Lưới đóng rộng ra mỗi bên tối thiểu 75mm.
5.TƯỚI ẨM TƯỜNG TRƯỚC KHI TÔ/TRÁT TƯỜNG
- Tưới ẩm tường trước khi tô, tránh việc tường hút ẩm làm mất nước lớp vữa tô.
6.TÔ/TRÁT TƯỜNG ĐIỂN HÌNH
- Tô tường theo thứ tự từ trên xuống.
- Chiều dày lớp tô thường từ 15-20mm.
- Đối với tô lên cấu kiện bê tông, phải mài tạo nhám bề mặt bê tông để tăng độ bám dính vữa tô.
- Trải bạt chân tường trong quá trình tô để đảm bảo vệ sinh và giảm hao hụt vữa.
- Lưu ý: việc tô lên cấu kết bê tông dễ làm rơi vữa tô. Do đó đối với trần, cột vách bê tông có mặt phẳng tốt, nên đề xuất không tô, chỉ mài nhẵn.
- Bề dày lớp tô tường tối đa là 30mm để đảm bảo độ bám dính của lớp tô lên tường vẫn ổn định, đủ để không làm xệ mảng tô gây nứt tường tô.
- Đối với các mảng tô dày trên 30mm đến 60mm thì biện pháp tô như sau:
- Tô lớp 1: dày tối đa 30mm, không cần thiết phải tô phẳng như lớp tô cuối. dùng dụng cụ bằng thép để vạch lên lớp tô thứ nhất tạo nhám.
- Giai đoạn chờ để tô các lớp kế tiếp:
- Chờ khoảng 6h-8h trước khi tô lớp 2.
- Có thể đóng lưới để chống xé tường.
- Có thể pha thêm sika latex vào vữa tô lớp 1 để tăng độ bám dính và giảm thời gian đông kết.
- Tô lớp kế tiếp:
- Lưu ý mỗi lớp tô kế tiếp không dày quá 20mm.
7.TÔ/TRÁT CẠNH, GÓC TƯỜNG
- Vị trí cạnh cửa bố trí cục ghém nhiều hơn để tăng độ chính xác khi tô.
- Khi tô cạnh cửa nên sử dụng bay góc vuông để tăng độ chuẩn xác.
- Lưu ý: kích thước, độ vuông ke và bề dày tường quanh các lỗ mở ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề thi công cửa sau này. Do đó phải triển khai kỹ, kiểm soát chặt trong quá trình thi công và nghiệm thu nghiêm ngặt.
- Sử dụng bay tô góc để rà lại các góc tường giúp loại bỏ vữa thừa, làm cho góc tường vuông và thẳng cạnh.
8.CẮT RON, ĐẮP PHÀO CHỈ
- Ngay sau khi kết thúc công tác tô, tiến hành búng mực hoặc căng dây lèo định vị ron tường. Đường định vị thấp hơn đáy ron 4cm (theo kích thước của bay cắt ron)
- Sử dụng thước nhôm 1m làm cữ tựa lên đường mực đã định vị
- Áp bay lên tường, áp sát và trượt lên thước nhôm để cắt ron.
- Phào chỉ trang trí được đắp bằng bay chuyên dụng theo thiết kế chi tiết.
9.KIỂM TRA TƯỜNG TÔ/TRÁT TRONG QUÁ TRÌNH THI CÔNG
- Phải thường xuyên kiểm tra trong quá trình thi công và nghiệm thu ngay sau khi tô xong để dễ dàng chỉnh sửa sai xót khi lớp vữa còn ướt.
- Vệ sinh vữa sau khi tô xong.
10.BẢO DƯỠNG TƯỜNG TÔ/TRÁT
- Vệ sinh sạch sẽ sau khi tô xong, nhất là vị trí chân tường, nơi dễ bị vữa hồ tô dính lại gây ảnh hưởng đến công tác cán nền.
- Tưới nước sau bảo dưỡng tường tô trong 2 ngày sau khi tô, đảm bảo độ ẩm cần thiết.
- Nếu phát hiện chất mùn hữu cơ có trong cát tô phải xử lý trước khi tiến hành công tác bả bột.
11.NGHIỆM THU - Công tác nghiệm thu nội bộ thực hiện trước, sau đó mời CĐT nghiệm thu.
NGUYÊN TẮC, TIÊU CHUẨN TÔ/TRÁT TƯỜNG
1.Kỹ thuật tô tường - Các mốc gém tô/trát tường được phân bố thành hàng trên tường, khoảng cách không lớn hơn 2m.
- Các mốc gém tô/trát tường phải nhẵn mặt và có kích thước ~3cm x 3cm, đúc bằng vữa xi măng.
- Hàng ghém dưới cùng cách mặt sàn bê tông 5cm
- Tại các vị trí chân tường có khả năng tiếp xúc với nước như: nhà bếp, phòng WC…cần phải tô một lớp hồ dày khoảng 7mm và khi lớp hồ này khô cần tiến hành chống thấm cao hơn mặt sàn hoàn thiện từ 200-300mm trước khi tiến hành công tác tô tường hoàn thiện ít nhất 01 ngày.
- Vị trí chân tường có khả năng tiếp xúc với nước như: sân thượng, hộp gen…cần chống thấm cao hơn mặt hoàn thiện tối thiểu 10cm trước khi tô ít nhất 01 ngày.
- Trong quá trình tô liên tục cập thước kiểm tra kỹ mặt phẳng chân tường để sau khi ốp len chân tường đạt thẩm mỹ.
2.Nội dung kiểm tra - Độ phẳng mặt tô bằng Thước nhôm
- Độ sai lệch theo phương thẳng đứng của mặt tường và trần nhà bằng Thước nhôm 2-3m, quả dọi
- Đường nghiêng của đường gờ mép cột bằng Thước nhôm, nivô (niveau) 1,2m
- Độ gồ ghề cục bộ bằng Thước nhôm, bằng mắt
- Vết nứt, nứt chân chim, vết hằn của dụng cụ tô, vết lồi lõm, các khuyết tật ở góc cạnh, gờ chân tường, gờ chân cửa, chỗ tiếp giáp với các vị trí đặt thiết bị điện, vệ sinh thoát nước,... Bằng mắt
Tiêu chí nghiệm thu: - Phải đảm bảo các kích thước của tường chính xác theo thiết kế: chiều dài, chiều rộng, chiều cao, độ dày.
- Đúng kích thước của cửa đi, cửa sổ, các lỗ chờ kỹ thuật.
- Vữa trát bám chặt vào bề mặt tường xây, vách bê tông. Tường trát không bị bong bộp.
- Bề mặt lớp vữa phẳng nhẵn. Độ sai lêch cho phép từ 1-1,5 mm.
- Các cạnh, gờ, chỉ phải sắc, thẳng đứng, ngang bằng. Các góc phải vuông ke.
- Chân tường tô trát phải thẳng, phẳng.
- Mặt sàn nơi chân tường sạch sẽ, không dính vữa rơi vãi.
a. Chất lượng bề mặt: - Không vết bẩn, không tạp chất
- Độ đồng màu: tường tô phải đều màu
- Không vết nứt, khuyết tật
- Tường tô không bị bộp.
b. Các sai số cho phép: - Độ phẳng (±2mm / 1200mm)
- Độ thẳng đứng (±2mm/1200mm)
- Độ vuông góc tường (±2mm/500mm)
- Các cạnh tường lỗ chờ (opening) phải đồng phẳng
- Kích thước hình học lỗ chờ ±2mm/cạnh
CÁC LỖI THƯỜNG GẶP VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC KHI TÔ/TRÁT TƯỜNG
1.Thiếu sự phối hợp với công tác MEP âm tường - Các hộp đế ổ cắm, công tắc, tủ điện, co răng ống nước… bị thụt sâu hoặc nhô ra khỏi mặt hoàn thiện của lớp hồ tô dẫn đến việc làm lại ảnh hưởng chi phí và tiến độ.
- Giải pháp khắc phục:
- Yêu cầu lắp thiết bị MEP theo mực hoàn thiện và kiểm tra chéo theo mực gửi
- Tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệm thu bàn giao.
2.Không đóng lưới khi tô các vị trí: gạch giáp với bê tông, đường ống M&E - Làm Nứt tường sau khi tô
- Giải pháp khắc phục:
- Nghiệm thu kỹ đóng lưới trước khi tô.
- Dùng vữa xây tường để trám
3.Đóng lưới khu vực đà lanh tô không đúng kỹ thuật - Đầu tường cửa bị nứt
- Giải pháp khắc phục:
- Đóng lưới lanh tô cửa theo đúng quy trình kỹ thuật xây tô.
- Nghiệm thu đóng lưới trước khi tô.
4.Tường sau khi tô bị ố do lẫn tạp chất - Tường bị đốm ố, do đất lẫn tạp chất, mùn cây.
- à Ảnh hưởng đến chất lượng sơn nước.
- Giải pháp khắc phục:
- Lựa chọn nguồn cát đạt chất lượng.
- Thường xuyên kiểm tra và thay thế lưới sàn cát không đạt yêu cầu (yêu cầu loại 5mm).
- Yêu cầu thực hiện đầy đủ tưới bảo dưỡng tường tô để đảm bảo chất lượng và phát hiện sớm tình trạng này để xử lý.
5.Kết thúc công tác tô trát không cắt hồ thẳng cạnh - Chân, đỉnh tường lem nhem, mất thẩm mỹ.
- Giải pháp khắc phục:
- Kết thúc mảng tô, dùng thước nhôm cắt thẳng cạnh đỉnh tường và điểm dừng tô.
- Nhắc nhở thường xuyên và đưa vào công tác nghiệm thu tô tường
6.Để hồ rơi vãi trực tiếp xuống sàn bê tông - Nếu tận dụng thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vữa do lẫn nhiều tạp chất.
- Mất vệ sinh, gây lãng phí (vữa + chi phí vệ sinh) và ảnh hưởng công tác nền.
- Giải pháp khắc phục:
- Kiểm tra trải bạt dưới chân tường trong suốt quá trình xây tô.
- Có biện pháp cố định bạt nilon.
7.Sử dụng vữa đã để quá 2 giờ - Tường dùng vữa để quá 2 giờ, vữa mất liên kết, tường bị bộp, dễ bong tróc lớp tô.
- Giải pháp khắc phục:
- Sử dụng vữa trộn đúng cấp phối và kiểm soát hồ/vữa trộn xong sử dụng ngay
8.Không tưới bảo dưỡng tường trước và sau khi tô -
Tường không được tưới bảo dưỡng sau khi tô dẫn đến nứt tường
- Giải pháp khắc phục:
- Tưới bảo dưỡng theo đúng kỹ thuật và thời gian quy định sau khi tô/trát tường
9.Tường tô không phẳng: - Phải đục sửa tốn chi phí, ảnh hưởng tiến độ,
- Đặc biệt gây khó khăn cho công tác sơn nước.
- Ảnh hưởng đến thẩm mỹ cửa công trình.
- Giải pháp khắc phục:
- Nghiệm thu gém kỹ và kiểm soát trong quá trình thi công tô/trát tường